MÔN: NGỮ VĂN  – LỚP: 12 – SỞ GD&ĐT. ĐĂKLĂK – KIỂM TRA NĂNG LỰC THPT QUỐC GIA LẦN I THCS THCS – THPT ĐÔNG DU                                   

 SỞ GD&ĐT. ĐĂKLĂK                           KIỂM TRA NĂNG LỰC THPT QUỐC GIA LẦN I

THCS THCS – THPT ĐÔNG DU                                     MÔN: NGỮ VĂN  – LỚP: 12

                                                                            Thời gian: 180 phút (không kể thời gian phát đề)

 

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

     1. Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi  từ câu 1 đến câu 3:

     “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”

                     (Trích Vợ Nhặt – Kim Lân)

Câu 1. Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn? (0,5 điểm)

Câu 2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì? (0,5 điểm)

Câu 3. Xác định thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn văn và nêu hiệu quả nghệ thuật của các thành ngữ đó? (0,5 điểm)

     2. Đọc văn bản và trả lời câu hỏi từ câu 4 đến câu 7:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa

                         (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên, Ngữ văn 12, tập một,
NXB Giáo dục Việt  Nam, 2012, trang 144)

     Câu 4. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản. (0,25 điểm)

     Câu 5. Văn bản sử dụng biện pháp tu từ gì? Cách sử dụng biện pháp tu từ ấy ở đây có gì đặc sắc? (0,5 điểm)

     Câu 6. Em hiểu thế nào về cụm từ “con gặp lại nhân dân” ở văn bản? (0,25 điểm)

     Câu 7. Hãy nói rõ niềm hạnh phúc của nhà thơ Chế Lan Viên thể hiện trong văn bản trong một đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 7 câu)? (0,5 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

     Câu 1 (3,0 điểm): Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết đối với mỗi con người trong cuộc sống hôm nay.

              Em hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề trên.

     Câu 2 (4,0 điểm):

                Phân tích hình tượng cây xà nu trong tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành.

 

 

Họ và tên thí sinh: …………………………………………….; Số báo danh: ………………………….

 

 

*****************************************

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO ĐĂKLĂK                       ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA 1

TRƯỜNG THCS – THPT ĐÔNG DU                             MÔN: NGỮ VĂN     LỚP: 12

ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM – HƯỚNG DẪN CHẤM:

A, Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức, kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết bài  nghị luận văn học. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. Chấm riêng từng ý, sau đó xem xét tương quan giữa các ý để cho điểm toàn bài. Làm tròn đến 0,25 điểm (0,25 lên 0,5; 0,75 lên 1 điểm).

B. Yêu cầu cụ thể:

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. (0,5 điểm)

– Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn: biểu cảm, tự sự.

– Điểm 0,5: trả lời như đáp án.

– Điểm 0,25: trả lời 1 phương thức.

– Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 2.(0,5 điểm)

– Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản diễn tả tâm trạng bà cụ Tứ khi biết con trai (nhân vật Tràng) dẫn người đàn bà xa lạ về.

– Điểm 0,5: trả lời như đáp án.

– Điểm 0,25: trả lời gần như đáp án hoặc trả lời lan man, dài dòng.

– Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 3. (0,5 điểm)

– Các thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn văn: dựng vợ gả chồng; sinh con đẻ cái; ăn nên làm nổi.

– Hiệu quả nghệ thuật của các thành ngữ: các thành ngữ dân gian quen thuộc trong lời ăn tiếng nói nhân dân được sử dụng một cách sáng tạo, qua đó dòng tâm tư của người kể hòa vào với dòng suy nghĩ của nhân vật bà cụ Tứ; suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật trở nên thật gần gũi, được thể hiện rất tự nhiên; nỗi lòng, tâm trạng của người mẹ thương con  được diễn tả thật chân thực.

– Điểm 0,5: trả lời như đáp án.

– Điểm 0,25: trả lời 1 trong 2 nội dung trên hoặc trả lời không đầy đủ cả hai nội dung trên.

– Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 4.(0,25 điểm)

– Phương thức biểu đạt mà văn bản sử dụng là phương thức biểu cảm.

– Điểm 0,25: trả lời như đáp án.

– Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 5. (0,5 điểm)

– Trong đoạn thơ trên, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Nét đặc sắc ở đây là tác giả đã đưa ra một loạt hình ảnh so sánh (nai về suối cũ, cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa, đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa, chiếc nôi ngừng gặp cánh tay đưa) để làm nổi bật một yếu tố được so sánh (con gặp lại nhân dân). Đây là kiểu so sánh phức hợp, ít gặp trong thơ.

– Điểm 0,5: trả lời như đáp án.

– Điểm 0,25: trả lời 1/2 đáp án.

– Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 6.(0,25 điểm)

– Cụm từ “con gặp lại nhân dân” được hiểu: trước cách mạng, nhà thơ sống xa rời nhân dân, bó hẹp trong cái tôi cá nhân. Sau cách mạng, nhà thơ được hòa mình vào cuộc đời rộng lớn, cảm thấy thân thiết, gắn bó, gần gũi máu thịt với nhân dân.

– Điểm 0,25: trả lời như đáp án.

– Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 7.(0,5 điểm)

– Bốn câu thơ trên đã thể hiện cảm xúc mãnh liệt của Chế Lan Viên khi trở về với nhân dân. Một loạt hình ảnh so sánh được đưa ra nhằm diễn tả sự hồi sinh của một hồn thơ. Đối với một người nghệ sĩ, đó là niềm hạnh phúc lớn lao, vô bờ…

– Điểm 0,5: trả lời như đáp án (thành một đoạn văn hoàn chỉnh)

– Điểm 0,25: trả lời gần giống với đáp án, hoặc đầy đủ nội dung nhưng chưa hoàn thành một đoạn văn.

– Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

     Câu 1 (3,0 điểm):

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng nghị luận  và cảm thụ  tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: (0,25) Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0,25)Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết đối với mỗi con người trong cuộc sống hôm nay.

c, Nội dung (2,0 điểm)

Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận.

– Giải thích: Khẳng định mình là phát huy cao nhất năng lực, in dấu ấn cá nhân trong không gian cũng như trong thời gian, cụ thể là trong môi trường và lĩnh vực hoạt động riêng của mình…. Ở các thời đại và xã hội khác nhau, việc tự khẳng định mình của con người luôn theo những tiêu chuẩn và lí tưởng không giống nhau.

– Bàn luận:

+ Trong thời đại ngày nay, việc khẳng định mình mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự phát triển mạnh mẽ của nền văn minh vật chất đưa tới nguy cơ làm tha hoá con người, khiến con người dễ sống buông thả, phó mặc cho sự lôi cuốn của dòng đời. Sự bi quan trước nhiều chiều hướng phát triển đa tạp của cuộc sống, sự suy giảm lòng tin vào lí tưởng dẫn đường  là những nguyên nhân quan trọng khiến ý thức khẳng định mình của mỗi cá nhân có những biểu hiện lệch lạc. Do đó việc nhận thức được khẳng định mình một cách đúng đắn là vô cùng cần thiết.

+ Khẳng định bản thân là biết đặt kế hoạch rèn luyện để có được những phẩm chất xứng đáng, đáp ứng tốt những yêu cầu của lĩnh vực hoạt động mà mình tham gia, có thể khiến cộng đồng phải tôn trọng. Tất cả, trước hết và chủ yếu, phải phụ thuộc vào chính năng lực của mình. Bởi thế, rèn luyện năng lực, bồi đắp năng lực cá nhân là con đường tự khẳng định mình phù hợp và đúng đắn. Mọi sự chủ quan, ngộ nhận, thiếu căn cứ không phải là sự tự khẳng định mình đúng nghĩa.

+ Khi khẳng định bản thân là khi chúng ta thực sự thúc đẩy sự phát triển bền vững của cuộc sống, của xã hội. Sự khẳng định mình bước đầu không nhất thiết phải gắn liền với những kế hoạch đầy tham vọng. Nó có thể được bắt đầu từ những việc làm nhỏ trên tinh thần trung thực, trọng thực chất và hiệu quả.

– Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

*Biểu điểm chung:

– Điểm 1,5 – 2: làm được trọn vẹn các ý trên, diễn đạt trôi chảy, văn viết có hình ảnh cảm xúc.

– Điểm 0,75 – 1,25: trình bày được 2/3 các ý trên, diễn đạt còn có một số đoạn chưa lưu loát.

– Điểm 0,25 -0,5: trình bày được ½ các ý trên, diễn đạt lủng củng, chữ viết cẩu thả, khó đọc.

– Điểm 0: làm sai đề, lạc đề.

d. Sáng tạo:

– 0,25 điểm: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Điểm 0: Văn viết còn thiếu cảm xúc, chưa sử dụng thao tác lập luận…

e.Chính tả:

– Điểm 0,25: Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể).

– Điểm 0: chữ viết cẩu thả, sai từ 5 lỗi chính tả trở lên.

     Câu 2 (4,0 điểm):

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng nghị luận  và cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: (0,25) Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0,25)hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành.

c, Nội dung (3 điểm)

Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

(Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Trung Thành và tác phẩm “Rừng xà nu”.

(Phân tích hình tượng rừng xà nu:

– Ẩn dụ về người dân Tây Nguyên.
– Mang hai lớp nghĩa: tả thực và tượng trưng.
+ Nghĩa tả thực:
(Hình dáng: “nhọn hoắt như mũi lê”, như “mũi tên lao thẳng lên bầu trời”.
(Màu sắc: “xanh rờn”.
(Mùi hương: “thơm ngào ngạt”, “thơm mỡ màng”.
(Đặc tính: “ham ánh sáng mặt trời”.
(Có sức sống mạnh mẽ và sức sinh sôi nảy nở diệu kì: “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”.
¨Quan sát tinh tế, miêu tả kết hợp so sánh. Tái hiện trước mắt người đọc hình ảnh những cánh rừng xà nu ở Tây Nguyên.
+ Nghĩa biểu tượng: Rừng xà nu biểu tượng cho con người Tây Nguyên.
(Rừng xà nu bị tàn phá với rất nhiều vết thương “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”.
¨Nỗi đau của con người Tây Nguyên trong chiến tranh: bị tra tấn, bị giết hại.
(Hình dáng đặc biệt, sự “ham ánh sáng mặt trời” của cây xà nu.
¨Biểu tượng cho phẩm chất tốt đẹp của người Tây Nguyên: yêu tự do, có khát vọng sống mãnh liệt.
(Sự sinh sôi nảy nở diệu kì của xà nu.
¨Biểu tượng cho sự hiên ngang, anh dũng, bất khuất trước kẻ thù, sự tiếp nối của các thế hệ người dân Tây Nguyên đứng lên đánh giặc.
(Hóa thân thành ngọn lửa.
¨Chứng nhân cho mọi sự kiên trọng đại, đau thương và anh dũng của làng Xô Man.
(Với các thủ pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, thậm xưng, tác giả làm cho rừng xà nu trở thành biểu tượng đẹp đẽ của con người Tây Nguyên, con người miền Nam, con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.
(Hình ảnh cây xà nu nổi bật, xuyên suốt tác phẩm, là một biểu tượng nghệ thuật đẹp, giàu giá trị thẩm mĩ, góp phần thể hiện chủ đề và tạo không khí Tây Nguyên độc đáo.

– Đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật và thành công của tác phẩm, đặc biệt là hình tượng rừng xà nu.

*Biểu điểm chung:

– Điểm 2,5 – 3: làm được trọn vẹn các ý trên, diễn đạt trôi chảy, văn viết có hình ảnh cảm xúc, có sáng tạo.

– Điểm 1,5 – 2,25: trình bày được 2/3 các ý trên, diễn đạt còn có một số đoạn chưa lưu loát.

– Điểm 0,25 – 1,25: trình bày được ½ các ý trên, diễn đạt lủng củng, chữ viết cẩu thả, khó đọc.

– Điểm 0: làm sai đề, lạc đề.

d. Sáng tạo:

– 0,25 điểm: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Điểm 0: Văn viết còn thiếu cảm xúc, chưa sử dụng thao tác lập luận…

e. Chính tả:

– Điểm 0,25: Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể).

– Điểm 0: chữ viết cẩu thả, sai từ 5 lỗi chính tảtrở lên.

 

                                  ************************************************

 Đề 2

 

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO ĐĂKLĂK               ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA TUẦN 28

TRƯỜNG THCS – THPT ĐÔNG DU                             MÔN: NGỮ VĂN     LỚP: 12

                                                                            Thời gian: 180 phút (không kể thời gian phát đề)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

     1. Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi  từ câu 1 đến câu 3:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất,

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.”

                                                                                     (Xuân Diệu – Vội vàng)

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản? (0,25đ)

Câu 2. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó? (0,5đ)

Câu 3. Theo mục đích nói các câu thơ trong văn bản thuộc kiểu câu gì? Nêu tác dụng của kiểu câu đó? (0,5đ)

     2. Dưới đây là các phần của văn bản đã bị đảo trật tự:

a.  Mong bạn giữ gìn cẩn thận dấu câu của mình bạn nhé!

b. Thiếu những dấu câu trong một bài văn, có thể bạn chỉ bị điểm thấp vì bài văn của bạn mất ý nghĩa, nhưng mất những dấu chấm trong cuộc đời, tuy không ai chấm điểm nhưng cuộc đời bạn cũng mất ý nghĩa như vậy.

c. Cứ như vậy anh ta đi đến dấu chấm hết.

d. Có một người chẳng may đánh mất dấu…..(1). Anh ta sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩa đơn giản.

      Sau đó anh lại làm mất dấu……(2). Anh bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu. Anh không cảm thán, không xuýt xoa. Không gì có thể làm anh ta sung sướng, mừng rỡ hay phẫn nộ nữa cả. Đằng sau đó là sự thờ ơ với mọi chuyện.

     Kế đó, anh ta đánh mất dấu….(3) và chẳng bao giờ hỏi ai điều gì nữa. Mọi sự kiện xảy ra ở đâu, dù trong vũ trụ hay ở mặt đất hoặc ngay trong nhà mình, anh đều không hay biết. Anh đánh mất khả năng học hỏi. Đằng sau đó là sự thờ ơ với mọi điều.

      Một thời gian sau, anh đánh mất dấu….(4). Từ đó anh không liệt kê được, không còn giải thích được hành vi của mình nữa, lúc nào cũng chỉ trích dẫn lời của người khác. Thế là anh ta hoàn toàn quên mất cách tư duy.

Anh/chị hãy trả lời các câu hỏi từ câu 4 đến câu 7:

Câu 4: phần văn bản d) có 4 vị trí đã bị lược bớt từ. Điền các từ gợi ý để khôi phục đoạn văn hoàn chỉnh: chấm than, phẩy, chấm hỏi, hai chấm. (0,5đ)

Câu 5: Sau khi khôi phục đoạn văn bản ở mục d), hãy sắp xếp thứ tự đúng của các đoạn văn để tạo thành một văn bản hoàn chỉnh. (0,5đ)

Câu 6: Văn bản sau khi đã được khôi phục nói về điều gì? (0,25đ)

Câu 7: Hãy viết một đoạn văn (từ 5 đến 7 câu) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề đặt ra trong văn bản trên? (0,5đ)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

     Câu 1 (3,0 điểm):

        Trước lúc ra làm trưởng Ban Nội chính Trung ương, cố bí thư Nguyễn Bá Thanh dặn dò lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng: “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng”.
            Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) để bày tỏ suy nghĩ gì về lời dặn dò đó. 

       Câu 2 (4,0 điểm):

              Phân tích, so sánh tính cách nhân vật Chiến và Việt (Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi) để làm rõ sự tiếp nối truyền thống gia đình của những đứa con.

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

 

Họ và tên thí sinh: …………………………………………….; Số báo danh: ………………………….

 

                               *****************************************************

 


 

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO ĐĂKLĂK                       ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA 1

TRƯỜNG THCS – THPT ĐÔNG DU                             MÔN: NGỮ VĂN     LỚP: 12

ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM – HƯỚNG DẪN CHẤM:

A. Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức, kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết bài  nghị luận văn học. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. Chấm riêng từng ý, sau đó xem xét tương quan giữa các ý để cho điểm toàn bài. Làm tròn đến 0,25 điểm (0,25 lên 0,5; 0,75 lên 1 điểm).

B. Yêu cầu cụ thể:

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1.  Văn bản được làm theo thể thơ ngũ ngôn/ thể thơ ngũ ngôn/ thể thơ tự do.

– Điểm 0,25: trả lời được một trong ba ý như đáp án.

– Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 2. Chỉ ra  biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó?

          – Biện pháp tu từ trong đoạn thơ: Điệp ngữ: “Tôi muốn”.       

          – Hiệu quả nghệ thuật: Nhấn mạnh điều mong muốn mãnh liệt của tác giả.

+ Điểm 0,5: trả lời như đáp án (Mỗi ý 0,25 điểm).

+ Điểm 0,25: Trả lời theo cách khác mà thấy hợp lí.

+ Điểm 0: không trả lời hoặc trả lời sai.

Câu 3.

– Theo mục đích nói các câu trong văn bản thuộc kiểu câu cầu khiến.

– Tác dụng:  bộc lộ niềm mong muốn của tác giả được đoạt quyền tạo hóa để giữ lại hương sắc cho đời. Qua đó thể hiện niềm yêu đời, yêu cuộc sống tha thiết, mãnh liệt.

+ Điểm 0,5: trả lời như đáp án (mỗi ý 0,25 điểm)

+ Điểm 0,25: Ý1 như đáp án, nhưng Ý2 trả lời theo cách khác mà  thấy hợp lí.

+ Điểm 0: Trả lời sai, hoặc không trả lời.

Câu 4: Điền các từ gợi ý để khôi phục đoạn văn cho hoàn chỉnh:

(1)  Phẩy; (2) chấm than; (3) chấm hỏi; (4) hai chấm.

– Điểm 0,5: trả lời đúng 3 ý như đáp án .

– Điểm 0,25: trả lời đúng 2 ý như đáp án.

– Điểm 0: trả lời đúng một ý như đáp án hoặc không trả lời.

Câu 5:  Sắp xếp thứ tự đúng của các đoạn văn để tạo thành văn bản hoàn chỉnh:

                                d-c-b-a. hoặc b-d-c-a

              – Điểm 0,5: trả lời đúng một trong hai đáp án trên.

              – Điểm 0,25: trả lời đúng ½ của một đáp án trên.

              – Điểm 0: trả lời sai hoàn toàn hoặc không trả lời.

Câu 6: Văn bản nói về “ý nghĩa dấu câu” đối với mỗi con người.

               – Điểm 0,25: trả lời như đáp án.

               – Điểm 0: Không trả lời hoặc trả lời sai.

Câu 7: Viết đoạn văn:

               – Hình thức: viết đúng kết cấu của đoạn văn với độ dài từ 5 đến 7 câu.

               – Nội dung: có thể làm rõ các ý sau:

                        + Khi tạo lập một văn bản rất cần sử dụng dấu câu chính xác.                       

                        + Phê phán những trường hợp không sử dụng đúng dấu câu.

                        + Đề xuất giải pháp.

                – Điểm 0,5: Viết như yêu cầu, văn viết có hình ảnh, cảm xúc, diễn đạt trôi chảy, trình bày sạch đẹp.

                – Điểm 0,25 đảm bảo nội dung nhưng hình thức viết chưa đủ độ dài hoặc viết dài quá (10 dòng trở lên), văn viết lủng củng, trình bày cẩu thả sai nhiều lỗi chính tả.

                – Điểm 0: Không trả lời hoặc lạc đề hoàn toàn.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

     Câu 1 (3,0 điểm):

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng nghị luận  và cảm thụ  tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: (0,25) Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0,25). Khát vọng và tham vọng .

c. Nội dung (2,0 điểm)

Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

1. Giới thiệu vấn đề nghị luận.

2. Giải thích:
– Khát vọng là mong muốn, ước mơ những điều lớn lao, tốt đẹp với một sự thôi thúc phải hành động mạnh mẽ. Hướng tới khát vọng là hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và cho cộng đồng.
– Tham vọng là lòng ham muốn, mong ước quá lớn, vượt xa khả năng thực tế của con người, khó có thể đạt được, hoặc nó gắn với dục vọng cá nhân.
(Về thực chất, lời dặn dò của Bí thư Nguyễn Bá Thanh khẳng định giá trị của khát vọng hướng đến cái chung, phê phán những tham vọng chỉ đem tới cái riêng cho mỗi con người.
3. Phân tích, đánh giá:
– Phân tích ý nghĩa việc sống có khát vọng:
+ Khát vọng là một biểu hiện tâm lí mang tính tích cực, tốt đẹp của con người. Khát vọng xuất phát từ những mong ước làm nên cuộc đời hạnh phúc, không chỉ cho bản thân người đó mà còn cho những người xung quanh trong tương lai, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đất nước. (dẫn chứng)
+ Người có khát vọng là người nhận thức đúng đắn bản thân mình là ai,  có thể làm gì cho mình và cho mọi người. Họ có trái tim say mê lý tưởng, có đầu óc tỉnh táo, nhận thức đúng, sai, lợi, hại. Họ có thể điều chỉnh và làm chủ bản thân mình. Vì thế, họ tránh được rủi ro trong cuộc sống. (dẫn chứng)
+ Khát vọng có thể thành hiện thực, có thể không. Khát vọng đem đến niềm tin, niềm lạc quan cho con người, tạo sức mạnh tinh thần để họ vượt qua thử thách. (dẫn chứng)
– Phân tích tác hại việc sống trong tham vọng:
+ Tham vọng là hiện tượng tâm lý ít nhiều mang sắc thái tiêu cực. Khi đó, con người quá ham muốn đạt điều gì đó lớn lao cho riêng mình. Tham vọng xuất phát từ sự ích kỉ, từ lòng tham. Người có tham vọng chỉ muốn lợi cho bản thân, đôi khi không quan tâm lợi ích của người khác. Khi bị tham vọng làm mờ mắt, con người có thể làm hại người khác để đạt mục đích đề ra. (dẫn chứng)
+ Tham vọng xuất hiện khi con người không còn nhận thức đúng đắn về bản thân, mong ước những điều cao xa, ngoài khả năng của mình. Người có tham vọng sẽ bất chấp đúng sai, luật pháp, tình người để thực hiện bằng được ý muốn của mình. Vì thế, họ sẽ lãnh hậu quả khó lường. (dẫn chứng)
+ Khi không thực hiện được tham vọng, con người dễ rơi vào tâm lý xấu, bi quan, chán chường, thù ghét. (dẫn chứng)
(Phê phán những người sống không có khát vọng, làm cho cuộc sống trở nên vô nghĩa, sống thừa; bị tham vọng làm cho mờ mắt, dễ đưa đến con đường tội lỗi, vi phạm pháp luật và đạo đức.
4. Bài học nhận thức và hành động:
– Nhận thức: phải hiểu ý nghĩa của khát vọng và hậu quả của tham vọng.
– Hành động: Có ý thức nỗ lực vươn lên, biết tỉnh táo để điều chỉnh hành vi sai trái. Biết đấu tranh với chính mình, biến tham vọng ích kỉ thành khát vọng cao đẹp.
* Biểu điểm chung:

-Điểm 1,5 – 2: làm được trọn vẹn các ý trên, diễn đạt trôi chảy, văn viết có hình ảnh cảm xúc.

-Điểm 0,75 – 1,25: trình bày được 2/3 các ý trên, diễn đạt còn có một số đoạn chưa lưu loát.

-Điểm 0,25 -0,5: trình bày được ½ các ý trên, diễn đạt lủng củng, chữ viết cẩu thả, khó đọc.

-Điểm 0: làm sai đề, lạc đề.

d. Sáng tạo:

– 0,25 điểm: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Điểm 0: Văn viết còn thiếu cảm xúc, chưa sử dụng thao tác lập luận…

e. Chính tả:

– Điểm 0,25: Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể).

– Điểm 0: chữ viết cẩu thả, sai từ 5 lỗi chính tả trở lên.

Câu 2 (4,0 điểm):

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng nghị luận  và cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: (0,25) Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0,25) So sánh và phân tích tính cách, đặc điểm của hai nhân vật Việt và Chiến để làm rõ sự tiếp nối truyền thống của những đứa con trong gia đình.

c. Nội dung (3 điểm)

Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

1.      Mở bài: Giói thiệu được vấn đề cần nghị luận.

2.      Thân bài:

a.      Giới thiệu khái quát về tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm.

            b. Điểm giống nhau của Việt và Chiến:

– Hai chị em đều được sinh ra trong một gia đình cách mạng có thù sâu với thực dân, đế quốc

– Cả hai đều là những chiến sĩ, gan góc, dũng cảm: Hai chị em sinh ra dường như là để đánh giặc. Vì vậy, ta không lấy làm ngạc nhiên khi nghe Chiến nói với Việt trong đêm trước lúc ra trận: “đã làm thân con gái ra đi, tao chỉ có một câu: nếu giặc còn thì tao mất, vậy à”. Câu nói mộc mạc, nhưng thiêng liệng như một lời thề. Việt cũng không chịu kém chị. Dù chưa đủ tuổi nhưng vẫn xung phong đi bộ đội và tiêu diệt được một xe bọc thép. Ba ngày lạc đơn vị, mình đầy thương tích, hai mắt không nhìn được gì, nhiều lần ngất đi rồi tỉnh lại, nhưng Việt vẫn cố gắng nghe tiếng súng để bò đi tìm đồng đội, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với “viên đạn đã lên nòng”. Hình ảnh đó đã thể hiện cao độ tính cách anh hùng của nhân vật.

– Tình yêu thương gia đình và nghĩa tình với làng xóm cũng là điểm nổi bật ở hai chị em:

+ Với gia đình: hai chị em đều rất thương chú Năm; Cả hai đều rất thương má, vì đời má phải chịu nhiều mất mát, đau thương, nhưng vẫn nuôi con và đánh giặc.

+ Với hàng xóm: hai chị em ăn ở có trước, có sau, nặng tình, nặng nghĩa. Trước ngày nhập ngũ họ đã giao căn nhà cho xã mở trường học; giường ván đề nhường chỗ  cho trẻ con ngồi học bài; mấy công ruộng giao lại để bà con mần….”

+ Với mối thù thằng Mĩ thì Việt như rờ thấy, trĩu nặng trên vai-> yêu thương và căm thù đã trở thành động lực, thành sức mạnh để hai chị em “trả thù nhà, đền nợ nước”

c. Mỗi nhân vật đều có những nét riêng hết sức độc đáo.

         Chiến là nhân vật tiêu biểu cho lớp nữ thanh niên ở miền Nam lúc vận hội mới của đất nước. Đó là một cô gái trẻ mang dáng vóc của mẹ “hai bắp tay tròn vo, sạm đỏ màu cháy nắng….., người to, chắc nịch”. Chiến có tính cách rất giống mẹ: biết đảm đang, lo toan thu xếp việc nhà chu đáo. Đến cả lối nói năng của cô cũng “y như má”. Ngay bản thân Chiến cũng cảm nhận như mình hòa vào trong má ở cái đêm trước ngày đi tòng quân giết giặc “tao cũng lựa ý, nếu má còn sống, chắc má tính vậy nên tao tính vậy”.

         Khác với chị Chiến sớm trưởng thành,  Việt vẫn giữ nguyên cái vẻ vô tư, lộc ngộc và rất trẻ con: Luôn tranh giành phần hơn với chị, thích câu cá, bắn chim. Đi bộ đội rồi mà trong túi lúc nào cũng có cái ná thun.   Cái đêm hai chị em bàn bạc việc nhà để sáng mai yên lòng đi tòng quân trả thù cho ba má, trong khi chị Chiến lo toan mọi việc thì Việt phó mặc cho chị. Anh “lăn kềnh ra ván”, chụp con đom đóm úp vào lòng bàn tay “rồi ngủ quên lúc nào không biết”. Khi lạc đơn vị , một mình nằm giữa chiến trường, Việt không sợ chết mà chỉ sợ bong đêm, sợ “ con ma cụt đầu hay ngồi trên cây soài mồ côi….”tưởng tượng  cảnh gặp lại các anh “Việt có thể khóc như thằng út em…”. Điều đó thật sinh động tạo nên nét tính cách rất riêng của Việt.

          Tuy nhiên trước kẻ thù bao giờ  Việt cũng là một người gan dạ, kiên cường. Mới tám tuổi đầu, Việt đã cùng má và chị Chiến lên tận đồn địch đòi cho kì được đầu của ba. Thấy tên lính cầm đầu ba  liệng xuống đất, Việt lao tới cứ nhè chân tên lính mà đạp tới tấp.  mười bốn tuổi, Việt đã tham gia du kích, cùng chị Chiến bắn cháy một ca nông của giặc trên sông Định Thủy. Mười bảy tuổi, Việt khai tăng lên mười tám để đòi đi bộ đội cho kì được. Ra trận, anh dùng thủ pháo bắn cháy một xe tăng giặc, rồi mê mải rượt giặc đến nỗi bị thương nặng, lạc đồng đội…. Không nhìn thấy gì, phải bò vì hai chân bị thương nặng, Việt vẫn hướng theo tiếng súng để đi tìm đồng đội. Suốt ba ngày đêm, lúc mê lúc tỉnh, Việt vẫn không chịu gục ngã, anh luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Những dòng hồi ức về mẹ, về chú Năm, chị Chiến và những người thân trong gia đình đã tiếp cho Việt sức mạnh để anh chiến thắng nỗi sợ hãi và vết thương tìm về với đồng đội. Việt chính là hình ảnh điển hình cho tuổi trẻ miền Nam trong những ngày đánh Mĩ đầy cam go, thử thách….

b.      Đánh giá chung:

-Với nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, mang đậm sắc thái Nam bộ; với tài năng khắc họa tính cách nhân vật độc đáo, Nguyễn Thi đã giúp người đọc hiểu được vẻ đẹp vừa rất chung, vừa rất cá tính ở hai nhân vật Việt và Chiến. Họ là hình ảnh điển hình cho những thanh niên Nam bộ trong buổi đầu kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

3. KL:  Liên hệ, nâng cao.

* Biểu điểm chung:

– Điểm 2,5 – 3: làm được trọn vẹn các ý trên, diễn đạt trôi chảy, văn viết có hình ảnh cảm xúc, có sáng tạo.

– Điểm 1,5 – 2,25: trình bày được 2/3 các ý trên, diễn đạt còn có một số đoạn chưa lưu loát.

– Điểm 0,25 – 1,25: trình bày được ½ các ý trên, diễn đạt lủng củng, chữ viết cẩu thả, khó đọc.

– Điểm 0: làm sai đề, lạc đề.

d. Sáng tạo:

– 0,25 điểm: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Điểm 0: Văn viết còn thiếu cảm xúc, chưa sử dụng thao tác lập luận…

e. Chính tả:

– Điểm 0,25: Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể).

– Điểm 0: chữ viết cẩu thả, sai từ 5 lỗi chính tả trở lên.

 

                                  ************************************************

 


 

Đề 3.

 

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO ĐĂKLĂK               ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA TUẦN 28

TRƯỜNG THCS – THPT ĐÔNG DU                             MÔN: NGỮ VĂN     LỚP: 12

                                                                            Thời gian: 180 phút (không kể thời gian phát đề)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

a. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

           Trong những ngôi biệt thự của các gia đình quyền quý, tỉ phú đều có một phòng thư viện gia đình rộng lớn với bao sách quý. Theo bạn, họ giàu, do vậy họ có thể mua được tất cả những gì mình thích, hay họ có những gì của ngày hôm nay là do say mê đọc sách từ rất sớm ?

        Một nhà thông thái nào đó đã từng nói “Mỗi con người là tổng thể của những cuốn sách họ đã đọc”. Tại sao việc đọc sách lại quan trọng đến vậy? Trước hết, từ ngữ là tổng thể của các ý nghĩ. Mỗi một từ mới học được tương đương với một sáng kiến. Ai cũng biết, đã là sáng kiến thì vô giá. Với lí do như vậy, nhiều người cho rằng số tiền kiếm được của bạn sẽ tương đương với số từ vựng bạn sở hữu. Đọc sách giúp ta luyện óc tưởng tượng. Nhân loại sẽ không ở vị trí ngày hôm nay nếu không có óc tưởng tượng phong phú !  (…)

        Lí do thứ hai khiến ta nên đọc sách là độc giả có thể trau dồi kiến thức trong vòng vài giờ đồng hồ, trong khi đó để viết ra một cuốn sách, tác giả đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu cùng bao người khác, chắt lọc những gì giá trị nhất  trong một thời gian dài. Chúng ta không cần phải vấp ngã trên đường đời để từ đó rút ra những bài học cao quý. Kiến thức về mọi chủ đề đều đã được ghi lại rất cẩn thận ở đâu đó. Công việc duy nhất của độc giả là miệt mài tìm kiếm. Hãy tin rằng, một cuốn sách, nếu đến với bạn đúng lúc, có thể thay đổi cả cuộc đời bạn…

                                                                              (Theo hoathuytinh.com)

Câu 1. Tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào trong văn bản trên?

Câu 2. Hãy đặt nhan đề cho văn bản.

Câu 3. Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng “Chúng ta không cần phải vấp ngã trên đường đời để từ đó rút ra những bài học cao quý” ?

Câu 4. Anh/chị hãy nêu ít nhất 02 tác dụng khác của việc đọc sách (không trùng lặp với quan điểm của tác giả). Trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng.

b. Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

…Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Bài hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm – Rụng xuống trái bàng đêm.
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?
“-Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy”
“- Mười chú chứ, nhìn xem trong lớp ấy”
                                                      (Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao).

(Trích Chiếc lá đầu tiên – Hoàng Nhuận Cầm,
Theo Tình bạn tình yêu thơ, NXB Giáo dục, 1987).

Câu 5. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 6. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên.

 

 

Câu 7. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong bốn dòng thơ sau:

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?

Câu 8. Đoạn thơ đã gợi cho em những cảm xúc gì khi sắp rời xa mái trường THPT (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng).

II. Phần Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm):

Có ý kiến cho rằng: “Phép lịch sự chính là tấm giấy thông hành cho phép bạn đến mọi vùng đất, mọi văn phòng, mọi ngôi nhà và mọi trái tim trên thế giới”.

Anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) bày tỏ suy nghĩ về ý kiến trên.

Câu 2 (4,0 điểm):

         So sánh hai nhân vật Tnú (Rừng xà nu- Nguyễn Trung Thành) với Việt (Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi) để làm rõ chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng trong thời đại chống Mĩ cứu nước.

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

 

Họ và tên thí sinh: …………………………………………….; Số báo danh: ………………………….

 

                               *****************************************************

 SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO ĐĂKLĂK                       ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA 1

TRƯỜNG THCS – THPT ĐÔNG DU                             MÔN: NGỮ VĂN     LỚP: 12

ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM – HƯỚNG DẪN CHẤM: Đề 3.

A, Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức, kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết bài  nghị luận văn học. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. Chấm riêng từng ý, sau đó xem xét tương quan giữa các ý để cho điểm toàn bài. Làm tròn đến 0,25 điểm (0,25 lên 0,5; 0,75 lên 1 điểm).

B. Yêu cầu cụ thể:

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1:Thao tác lập luận phân tích/thao tác phân tích/lập luận phân tích/phân tích.

– Điểm 0,25: Trả lời một trong bốn cách trên

– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

 Câu 2: Có thể đặt nhan đề là: Đọc sách/ Vai trò của đọc sách/ Tầm quan trọng của đọc sách…

– Điểm 0,25: Trả lời một trong ba cách trên.

– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 3:  Tác giả cho rằng: “ Chúng ta không cần…………….cao quí”, bởi vì: đọc sách sẽ giúp chúng ta có những kiến thức, kinh nghiệm, những vốn sống quí báu trong đời sống

– Điểm 0,5: trả lời như đáp án.

– Điểm 0,25: trả lời gần như đáp án mà thấy hợp lí.

– Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 4: Nêu ít nhất 02 tác dụng của việc đọc sách theo quan điểm riêng của bản thân, không nhắc lại những tác dụng mà tác giả đã nêu trong đoạn trích. (Có thể là: đọc sách giúp tâm hồn ta trở nên phong phú, tăng cường khả năng giao tiếp, rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo…)

– Điểm 0,5: Viết đúng kết cấu của đoạn văn với độ dài từ 5 đến 7 dòng; nội dung như đáp án.

– Điểm 0,25 viết không đủ số dòng hoặc viết quá dài (từ 15 dòng trở lên) nội dung chưa rõ.

– Điểm 0: không trả lời.

Câu 5:Thể thơ tự do/ tự do.

         Điểm 0,25: trả lời đúng một trong hai ý ở đáp án.

         Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 6: Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ là biểu cảm.

         Điểm 0,25: trả lời như đáp án.

         Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 7:

         Phép điệp: từ “nhớ”; “nỗi nhớ”->Nhấn mạnh nỗi nhớ thương tràn ngập, tha thiết.

         Câu hỏi tu từ:  Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?-> bộc lộ tâm trạng bồi hồi, xao xuyến khi nghĩ tới những kỉ niệm đẹp của tuổi học trò.

         Điểm 0,5: trả lời như đáp án (đúng mỗi ý được 0,25 đ)

         Điểm 0,25: trả lời khác với đáp án mà thấy hợp lí.

         Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 8:

         Hình thức: đúng kết cấu đoạn văn, có độ dài từ 5 đến 7 dòng.

         Nội dung: cần làm rõ các ý sau:

+Tuổi học trò có biết bao kỉ niệm đẹp.

+ Nhớ lại một thời đã qua, lòng lại trào lên bao cảm xúc.

+Cần phải sống cho xứng đáng khi xa mái trường mến yêu.

    – Điểm 0,5: đáp ứng như yêu cầu, văn viết có hình ảnh, cảm xúc.

    – Điểm 0,25: viết không đủ số lượng hoặc lan man, dài dòng, trình bày cẩu thả.

    – Điểm 0: không trả lời.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

     Câu 1 (3,0 điểm):

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng nghị luận  và cảm thụ  tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: (0,25) Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0,25). Tác dụng của phép lịch sự đối với con người.

c. Nội dung (2,0 điểm)

Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

1-     Giới thiệu vấn đề nghị luận.

2-     Giải thích:

-“Phép lịch sự”: Cách ứng xử, hành vi ứng xử, giao tiếp lễ phép, thanh lịch, có văn hóa …

           -“tấm giấy thông hành”: giấy đi đường cho phép đến được nhiều nơi.

 ->Ý nghĩa của câu nói: Khẳng định sức mạnh của phép lịch sự bởi nó là giấy thông hành nối kết con người với cuộc sống, với thế giới, và với mọi trái tim

  3- Bàn luận:

+ Những biểu hiện của phép lịch sự: Luôn mỉm cười; biết nói lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc; biết lắng nghe người khác; tôn trọng những sở thích, cá tính của người khác; tôn trọng những nét văn hóa của các dân tộc khác…

+ Giao tiếp, ứng xử lịch sự giúp ta dễ dàng tiếp cận với những người xung quanh, dù người đó khác biệt về sắc tộc, màu da… làm tăng tính hiệu quả trong giao tiếp.

+ Lịch sự cũng là một trong những biểu hiện của lòng tốt, của văn hóa, nếu ta mở lòng thì thế giới xung quanh ta sẽ rộng mở…khiến nâng cao giá trị của bản thân và làm mối quan hệ giữa người với người, giữa các dân tộc trở nên tốt đẹp

 + Nếu thiếu phép lịch sự thì con người trở nên lạc lõng, thậm chí là vô cảm, bị đánh giá là thiếu văn hóa… -> Phê phán lối ứng xử thiếu lịch sự đồng thời cũng ca ngợi lối ứng xử lịch sự của một số HS, một số người trong XH.

                    (Cần đưa dẫn chứng để phân tích)

4-   KL: Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân trong giao tiếp, ứng xử.

*Biểu điểm chung:

– Điểm 1,5 – 2: làm được trọn vẹn các ý trên, diễn đạt trôi chảy, văn viết có hình ảnh cảm xúc.

– Điểm 0,75 – 1,25: trình bày được 2/3 các ý trên, diễn đạt còn có một số đoạn chưa lưu loát.

– Điểm 0,25 -0,5: trình bày được ½ các ý trên, diễn đạt lủng củng, chữ viết cẩu thả, khó đọc.

– Điểm 0: làm sai đề, lạc đề.

 

d. Sáng tạo:

– 0,25 điểm: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Điểm 0: Văn viết còn thiếu cảm xúc, chưa sử dụng nhiều thao tác lập luận…

e. Chính tả:

– Điểm 0,25: Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể).

– Điểm 0: chữ viết cẩu thả, sai từ 5 lỗi chính tả trở lên.

Câu 2 (4,0 điểm):

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng nghị luận  và cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: (0,25) Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0,25) So sánh và phân tích tính cách, đặc điểm của hai nhân vật  Tnú và Việt để làm rõ vẻ đẹp của chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng trong thời đại chống Mĩ xâm lược.

c, Nội dung (3 điểm)

Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

1.      Mở bài: Giói thiệu được vấn đề cần nghị luận.

2.      Thân bài:

a.      Giói thiệu khái quát về hai tác giả Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi cùng hoàn cảnh sáng tác hai tác phẩm

b.      Nêu khái niệm tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại chống  Mĩ.

         Tinh thần yêu nước là tình cảm yêu thương tha thiết đối với non sông Tổ quốc, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc; lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần chiến đấu bất khuất chống kẻ thù xâm lược để bảo vệ Tổ quốc; khát vọng xây dựng đất nước hòa bình; là tình yêu giống nòi, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ dân tộc….

         Chủ nghĩa anh hùng cách mạng là tinh thần yêu nước được thể hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

c.      Những điểm giống nhau của Tnú và Việt: Họ đều mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sớm phải bươn trải kiếm sống trong hoàn cảnh đất nước đang bị đế quốc Mĩ cai trị.

– Họ lớn lên ở thời điểm giặc Mĩ đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Dân tộc ta phải đứng trước thời kì cam go nhất của cách mạng, rất cần sự đồng tâm của mọi người dân và cả hai đã góp phần công sức rất lớn vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

– Cả hai đều có thù sâu với quân xâm lược: vợ con TNú bị đánh đến chết; bản thân anh bị đốt mười đầu ngón tay…. Ông nội, ba má Việt đều bị chết vì quân xâm lược…..

– Họ đều rất trung thành với cách mạng….

– Họ đều rất yêu thương gia đình, quê hương….

d. Những điểm khác nhau:

– Tnú: học chữ thua Mai lấy đá đập vào đầu; đi liên lạc thông minh, nhanh nhẹn, nuốt thư vào bụng, kiên quyết không khai khi bị tra tấn; vượt ngục trở về thay anh quyết lãnh đạo buôn làng;  mười ngón tay mỗi ngón chỉ còn hai đốt vẫn kiên quyết xin đi bộ đội, xiết cổ tên đồn trưởng đến chết; có tinh thần kỉ luật rất cao…-> thể hiện chân lí: dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng; là hình tượng điển hình của cho thế hệ thanh niên Tây Nguyên…

– Việt: là một thanh niên nông dân mới lớn nên còn vô tư, trẻ con: thích soi cá, bắn chim, thích giành phần hơn với chị…. Trong chiến đấu rất dũng cảm: bắn cháy xe tăng địch, bị thương, bị lạc đồng đội vẫn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu…-> hình tượng điển hình cho thế hệ thanh niên thời kháng chiến chống Mĩ.

e. Đánh giá chung:

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình; ngôn ngữ đặc trưng cho các vùng miền; giọng điệu kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn

– Tnú và Việt thể hiện sâu sắc vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời chống Mĩ

3. KL:  Liên hệ vẻ đẹp của thanh niên trong giai đoạn hiện nay: học tập, rèn luyện nhất là khi Tổ quốc đang đứng trước nguy cơ kẻ thù ngang nhiên xâm lấn biển đảo.

* Biểu điểm chung:

– Điểm 2,5 – 3: làm được trọn vẹn các ý trên, diễn đạt trôi chảy, văn viết có hình ảnh cảm xúc, có sáng tạo.

– Điểm 1,5 – 2,25: trình bày được 2/3 các ý trên, diễn đạt còn có một số đoạn chưa lưu loát.

– Điểm 0,25 – 1,25: trình bày được ½ các ý trên, diễn đạt lủng củng, chữ viết cẩu thả, khó đọc.

– Điểm 0: làm sai đề, lạc đề.

d. Sáng tạo:

– 0,25 điểm: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

– Điểm 0: Văn viết còn thiếu cảm xúc, chưa sử dụng thao tác lập luận…

e. Chính tả:

– Điểm 0,25: Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể).

– Điểm 0: chữ viết cẩu thả, sai từ 5 lỗi chính tả trở lên.

 

                                  ************************************************

 

Để lại một bình luận

Hãy trở thành người đầu tiên bình luận!

avatar
wpDiscuz
Bài liên quan
ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC LẦN 3 –  KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2016  Môn: Ngữ văn – SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO TRƯỜNG THPT YÊN THẾ
ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC LẦN 3 – KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2016 Môn: Ngữ văn – SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO TRƯỜNG THPT YÊN THẾ
ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC LẦN 3 -  KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2016Môn: Ngữ vănPhần I. Đọc hiểu (3.0 điểm).Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4...."Tôi muốn nhấn ...
Chuyên mụcĐề thi thử thpt môn Văn học
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA  LẦN CUỐI NĂM 2015 – TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH TRƯỜNG THPT CHUYÊN  
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN CUỐI NĂM 2015 – TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH TRƯỜNG THPT CHUYÊN  
 ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA  LẦN CUỐI NĂM 2015 - TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH TRƯỜNG THPT CHUYÊN  Câu I (3,0 điểm) 1. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới:“Dẫu trôi nổi, dẫu cực khổ thế ...
Chuyên mụcĐề thi thử thpt môn Văn học
MÔN: NGỮ VĂN – ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA, LẦN 2 NĂM 2016 – CHUYÊN VINH
MÔN: NGỮ VĂN – ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA, LẦN 2 NĂM 2016 – CHUYÊN VINH
 MÔN: NGỮ VĂN - ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA, LẦN 2 NĂM 2016 - CHUYÊN VINH                                       MÔN: NGỮ VĂN      I. PHẦN ĐỌC HIỂU ...
Chuyên mụcĐề thi thử thpt môn Văn học
ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC LẦN 1 NĂM 2016 MÔN: NGỮ VĂN SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG
ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC LẦN 1 NĂM 2016 MÔN: NGỮ VĂN SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG
 SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNGTRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNGĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC LẦN 1 NĂM 2016MÔN: NGỮ VĂN (Thời gian làm bài: 180  phút)Phần I. Đọc – hiểu (3,0 điểm)Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ ...
Chuyên mụcĐề thi thử thpt môn Văn học
ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN 2 NĂ M 2016 Môn: Ngữ văn – TRƯỜNG THPT SÔNG LÔ
ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN 2 NĂ M 2016 Môn: Ngữ văn – TRƯỜNG THPT SÔNG LÔ
   TRƯỜNG THPT SÔNG LÔ         ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN 2 NĂM 2016Môn: Ngữ văn Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề(Đề thi có 01 trang)Câu 1 (2,0 điểm):     Đọc văn bản ...
Chuyên mụcĐề thi thử thpt môn Văn học
Sách và tư liệu
CÔNG LÝ
No img
CÔNG LÝNói về nền công lý Pháp ồ Angiêri, một nghị sĩ Pháp đã viết một cách châm biếm rằng: ...
UNIT 2-TEST 2 – Tiếng anh lớp 11 – Tài liệu cô CẨM NHUNG
UNIT 2-TEST 2 – Tiếng anh lớp 11 – Tài liệu cô CẨM NHUNG
 UNIT 2                                                TEST 2I.              PRONUNCIATIONChoose the word that has main stress placed differently from the others.1.     a. appreciate           ...
Khi mọi cách đều vô hiệu, bạn hãy thử cách này xem sao
No img
Khi Mọi Cách Điều Vô Hiệu Bạn Hãy Thử Cách Này Xem SaoCharles Schwab, người tin cẩn của Andrew Carnegie, ông ...
Đề thi thử thpt môn Hóa lần 1_Hoàng Hoa Thám_TP.HCM _2017
Đề thi thử thpt môn Hóa lần 1_Hoàng Hoa Thám_TP.HCM _2017
Cùng ôn thi thpt môn Hóa 2017Khó khăn gì các em hãy kết bạn cùng Nhân Thành qua facebook: nhanthanhcs1@gmail.com, ...
Đa đề thi thử lý Chuyên SPHN lần 2_2016
Đa đề thi thử lý Chuyên SPHN lần 2_2016
Kết bạn cùng nhanthanhcs1@gmail.com để được trao đổi và học tập