Fori.vn – Sản phẩm tốt – giá tốt nhất
MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ CỦA GIÁO DỤC THẨM MỸ
Mục đích của giáo dục thẩm mỹ
Mỗi một xã hội có mục đích giáo dục con người theo lý tưởng xã hội của mình về tất cả các phương diện khác nhau của đời sống xã hội như chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học, khoa học, tôn giáo và thẩm mỹ. Trong đó giáo dục thẩm mỹ có một vai trò quan trọng với sự phát triển con người và xã hội hoàn thiện.
Mục đích của giáo dục thẩm mỹ là nhằm phát triển toàn diện các mặt đời sống của xã hội và của con người. Cũng chính vì vậy, trước hết giáo dục thẩm mỹ phải nhằm đạt tới mục đích chung là nâng cao văn hoá thẩm mỹ trong mọi hoạt động của cá nhân và xã hội.
Văn hoá thẩm mỹ là những năng lực cảm thụ, đánh giá cái đẹp trong cuộc sống và trong nghệ thuật và năng lực sáng tạo theo qui luật của cái đẹp; năng lực này thể hiện con người là chủ thể thẩm mỹ trong quá trình tạo ra các giá trị thẩm mỹ.
Nói đến văn hoá thẩm mỹ là nói đến ý thức thẩm mỹ, hoạt động thẩm mỹ và các giá trị thẩm mỹ và cũng chính vì vậy văn hoá thẩm mỹ tồn tại trong tất cả trong lĩnh vực của văn hoá (nền sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội kể cả các quan hệ giao tiếp, đến phong tục tập quán truyền thống, lễ nghi tôn giáo), trong đó nghệ thuật là một bộ phận quan trọng.
Nếu có thể hiểu giáo dục là một quá trình xã hội hoá cá nhân, thì giáo dục thẩm mỹ cũng là quá trình chuyển hoá văn hoá thẩm mỹ của xã hội thành văn hoá thẩm mỹ của cá nhân. Đời sống văn hoá thẩm mỹ của cá nhân là trình độ thẩm mỹ của cá nhân được thể hiện quan niệm về cái đẹp mà quan trọng hơn cả là sống theo qui luật của cái đẹp trong lao động sản xuất, chiến đấu, trong sinh hoạt, trong quan hệ giao tiếp, ngôn ngữ, lịch sử và văn hoá.
Muốn như vậy, giáo dục thẩm mỹ là phát triển văn hoá thẩm mỹ ở từng cá nhân: hình thành các cá nhân có trình độ thẩm mỹ, có nhu cầu thẩm mỹ, hoạt động thẩm mỹ để từ đó góp phần phát triển toàn diện – hài hòa các cá nhân, tạo ra nhiều tài năng trong mọi lĩnh vực hoạt động, đặc biệt trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Những nhiệm vụ cơ bản của giáo dục thẩm mỹ
Căn cứ vào mục đích của giáo dục thẩm mỹ, có thể cụ thể hoá một số nhiệm vụ của giáo dục thẩm mỹ:
– Giáo dục thẩm mỹ là quá trình hình thành ý thức thẩm mỹ đúng đắn, tiên tiến để mỗi cá nhân và xã hội có khả năng tốt nhất khi cảm thụ, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ, cũng như thoả mãn ngày càng cao hơn các nhu cầu thẩm mỹ của con người trong sự phát triển xã hội.
– Giáo dục thẩm mỹ là giáo dục năng lực sáng tạo, làm cho sự sáng tạo theo qui luật của cái đẹp trở thành nhu cầu và tác động tới mọi lĩnh vực hoạt động sống của con người.
– Giáo dục thẩm mỹ là giáo dục tình cảm, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn, lành mạnh để phát triển toàn diện nhân cách, để hướng tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ của bản thân con người và của xã hội.
Giáo dục thẩm mỹ không chỉ phát triển môi trường văn hoá, xã hội hoá văn hoá, nâng cao chất lượng lao động sản xuất, chất lượng sống của nhân dân, mà còn phải đưa cái đẹp vào chính bản thân cuộc sống trở thành chuẩn mực chung của sự phát triển của cá nhân và xã hội.
Giáo dục thị hiếu thẩm mỹ – mục tiêu trực tiếp và năng động nhất
Trước hết, cần phải phân biệt giữa thị hiếu nói chung và thị hiếu thẩm mỹ. Bởi thị hiếu thẩm mỹ là thái độ, tình cảm của con người trước cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, cái cao cả trong cuộc sống và trong nghệ thuật còn thị hiếu nói chung được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau phản ánh các lĩnh vực tinh thần khác nhau trong cuộc sống con người.
Trong tâm lý con người, mối quan hệ giữa tình cảm và lý trí, một mặt nó thể hiện sự thống nhất, nhưng mặt khác nó có tính mâu thuẫn và đồng thời là một trong những mâu thuẫn của hoạt động tinh thần của con người. Trong hoạt động thẩm mỹ nó cũng bao gồm những đặc tính chung đó của mối quan hệ giưa tình cảm và lý trí.
Cũng chính vì vậy tình cảm bao giờ cũng gắn với hành động, là khâu tâm lý cuối cùng được chuyển thành hành động, ngược lại hành động cũng do một động cơ tình cảm thúc đẩy. Khi nói đến thị hiếu là nói đến hành động lựa chọn: một mốt thời trang, một cuốn sách, một băng nhạc, một bức tranh và mọi tình cảm, mọi hành động của con người đều dựa trên cơ sở lý trí nhất định.
Sự yêu thích, sự lựa chọn cái đẹp, thoả mãn nhu cầu cái đẹp bao giờ cũng xuất phát từ những chuẩn mực chung của con người, trên cơ sở lý trí.
Thứ hai, trong xã hội loài người, con người là một chỉnh thể, mỗi người là một cái riêng, cái đơn nhất, do vậy tồn tại sở thích cá nhân, thị hiếu cá nhân. Thực ra, thị hiếu thẩm mỹ vừa mang tính cá nhân và tính xã hội, là mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung và nó phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử xã hội nhất định. Thị hiếu thẩm mỹ mang dấu ấn cá nhân, là sở thích của cá nhân, nhưng đồng thời nó mang tính xã hội sâu sắc và phụ thuộc vào thị hiếu chung của xã hội theo những chuẩn mục của hoạt động đánh giá thẩm mỹ của xã hội.
Một thị hiếu tốt là năng lực có được khoái cảm do cái đẹp chân chính đưa lại, là nhu cầu thụ cảm và sáng tạo cái đẹp trong lao động, trong sinh hoạt hàng ngày, trong hành vi giao tiếp, ứng xử của con người ở trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Cơ sở hình thành của một thị hiếu thẩm mỹ tốt là cảm xúc thẩm mỹ phát triển cao, là cảm xúc về tính mực thước, là khả năng biết thụ cảm sự hài hoà giữa hình thức và nội dung, biết nhận ra giá trị thẩm mỹ của các hiện tượng xã hội, của các tác phẩm nghệ thuật dưới ánh sáng của lý tưởng thẩm mỹ tiên tiến.
Để lại một bình luận
Hãy trở thành người đầu tiên bình luận!