Fori.vn – Sản phẩm tốt – giá tốt nhất
Học và làm theo Bác về phong cách lãnh đạo dân chủ
Mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng thấu triệt trong học tập và làm theo phong cách dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên, hằng ngày; được thực hiện gương mẫu từ chính bản thân mình; coi đó là bổn phận, danh dự của chính mình, sẽ thiết thực góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp vừa hồng, vừa chuyên,tận tâm tận lực với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ. Phong cách lãnh đạo là yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách lãnh đạo dân chủ là một nội dung quan trọng để đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở rèn luyện đạo đức, phong cách người lãnh đạo, thiết thực hoàn thành nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó.
1. Phong cách dân chủ là đặc trưng cơ bản của phong cách lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cơ sở. Trong mọi hoàn cảnh, tinh thần ấy phải thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của mỗi người, góp phần khơi dậy sự tham gia nhiệt tình và những đóng góp sáng tạo của quần chúng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Theo đó, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề, vì: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”.
Theo Hồ Chí Minh, phong cách lãnh đạo dân chủ chính là mỗi người cán bộ lãnh đạo không phải đứng trên tập thể mà phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể; không bao giờ đặt mình cao hơn tổ chức, ở ngoài sự kiểm tra, giám sát của tổ chức mà luôn luôn tranh thủ bàn bạc với tập thể để có được quyết định chính xác và kịp thời nhất. Vì “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi, cũng là một nghĩa vụ của mọi người”[1], nên người cán bộ lãnh đạo phải biết động viên, khuyến khích để cho cấp dưới “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, tức là để cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật.
Người lãnh đạo muốn có phương pháp lãnh đạo tốt, có phong cách gần gũi quần chúng cần phải mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh của tập thể, vì đề ra chủ trương, nghị quyết đã khó nhưng người thực hiện là tập thể, là quần chúng. Do đó, có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí để cùng quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị; tránh được hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; tránh được sự mất đoàn kết vì sự chuyên quyền, độc đoán, áp đặt chủ quan…
Phong cách lãnh đạo dân chủ phải được thể hiện từ việc lớn cho đến việc nhỏ, ở tất cả các lĩnh vực; trong đó, người cán bộ lãnh đạo phải nhận trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách theo tinh thần: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách, tức là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung“[2]. Theo Hồ Chí Minh, “lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”[3], để “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”[4]. Muốn làm được như vậy, phải đề cao vai trò của tập trung, thực hiện tập trung trong Đảng để tạo sự thống nhất ý chí và hành động, tạo thành sức mạnh lãnh đạo to lớn trong tiến trình cách mạng. Cùng với tập trung, cũng luôn phải chú ý thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, làm cho Đảng tập trung được trí tuệ, tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng.
Người cán bộ lãnh đạo không có phong cách làm việc dân chủ mà độc đoán, chuyên quyền sẽ dẫn đến kìm hãm tính tích cực, sáng tạo của đảng viên và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từn nói, trong thực tế, chúng ta đã ra sức kêu gọi phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái, nhưng đến nay, cán bộ và đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái. Đó là vì lẽ gì? “Vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực. Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế”…
Người cán bộ lãnh đạo thấu triệt những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về phong cách lãnh đạo dân chủ thường không quyết định mọi việc theo ý kiến chủ quan của mình mà luôn mở rộng dân chủ, tranh thủ, động viên mọi người tham gia vào các quyết định khi tiến hành quản lý, điều hành và giải quyết các nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, trong công tác lãnh đạo, luôn thực hiện phân quyền phù hợp, không ôm đồm, không chỉ góp phần tạo sự đoàn kết, nhất trí trong tổ chức mà còn giúp cấp dưới chủ động trong việc thi hành công tác; tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên trong tập thể có cơ hội phát huy sáng kiến, năng động, sáng tạo, do đó, tinh thần làm việc được nâng cao, nhằm “đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân”…
2. Suốt cuộc đời mình và nhất là trong gần một phần tư thế kỷ ở vị thế một nguyên thủ quốc gia, nhưng không khi nào Hồ Chí Minh đặt mình ở trên nhân dân, ở xa nhân dân và không lắng nghe ý kiến của nhân dân, dù được nhân dân suy tôn là “Cha già dân tộc”. Người là tấm gương mẫu mực của phong cách lãnh đạo dân chủ, luôn thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Dù là người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhưng Người luôn tôn trọng ý kiến tập thể, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân trong công việc; tự phê bình, nhận trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội và nhân dân khi có khuyết điểm. Phong cách lãnh đạo dân chủ của Người thể hiện nhất quán, theo nguyên tắc: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”[5] và “cách làm việc, cách tổ chức… của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng“[6].
Để có phong cách dân chủ trong công tác, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải thường xuyên hướng về cơ sở, tiếp xúc với quần chúng, nắm tâm tư, nguyện vọng và thật sự quan tâm tới đời sống mọi mặt của quần chúng; đồng thời phải tin yêu, tôn trọng quần chúng, lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình xây dựng của quần chúng. Người yêu cầu mỗi cán bộ không chỉ giáo dục, cổ vũ, động viên quàn chúng nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm…mà còn phải học hỏi quần chúng và nêu gương cho quần chúng noi theo. Song trong khi lắng nghe, phải thấm nhuần nguyên tắc “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”[7], “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”[8]. Trong khi làm việc với quần chúng cần phải nắm vững tình hình, có phân loại quần chúng, để từ đó có biện pháp làm việc hiệu quả, phát huy được những ưu điểm, hạn chế được những nhược điểm của bản thân quần chúng.
Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải phê phán và đấu tranh khắc phục cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh mà cơ sở của nó là tách quyền hành của mình khỏi quyền lợi và nguyện vọng của tập thể, của nhân dân; trốn tránh trách nhiệm, làm việc không theo nguyên tắc, quy định chung. Nhất là, trong công tác, chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được… Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ lãnh đạo nói là phải làm, “nói ít, bắt đầu bằng hành động” và “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”[9]. Người yêu cầu các đồng chí phụ trách ở các bộ, ban, ngành và Trung ương phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều…; đồng thời cũng yêu cầu cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở là cấp gần dân nhất, sát dân nên lãnh đạo muốn thành công phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, luôn sâu sát cơ sở, gắn bó với quần chúng, để “hỏi dân, học dân và hiểu dân”. Qua đó, mới có thể nắm được “dân tâm, dân tình, dân ý”; mới kiểm nghiệm được sự sát đúng của các chủ trương, chính sách; mới phát hiện được những nhân tố mới, điển hình tiên tiến để ủng hộ và nhân rộng.
Muốn vậy, muốn xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân, cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát huy điều hay, sửa chữa khuyết điểm; đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình, phải chống những bệnh hữu danh, vô thực, bệnh hình thức, kéo bè kéo cánh, dùng người cánh hẩu với mình… Làm được như vậy, sẽ góp phần “làm cho quần chúng mến Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác, tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo” ; “củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng… nhân dân thấm nhuần và thực hiện chính sách của Đảng”… Làm được như vậy, sẽ có sự đoàn kết thống nhất trong từng tổ chức cơ sở đảng, để mỗi người đều có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ chung.
3. Thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Để đáp ứng yêu cầu và tình hình nhiệm vụ mới, hơn bao giờ hết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp càng phải thấm nhuần những chỉ dẫn của Người về rèn luyện đạo đức và phong cách người lãnh đạo.
Trong đó, cấp ủy đảng các cấp phải chú trọng thường xuyên việc giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thực hiện dân chủ trong sinh hoạt Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Điều lệ Đảng. Tiếp tục phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Phát huy tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; khắc phục tình trạng dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể hoặc độc đoán, chuyên quyền khi quyết định những vấn đề quan trọng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng phải gương mẫu trong thực hiện tự phê bình và phê bình trên tinh thần “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn; kiên quyết phê phán các hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; phòng và chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thực hiện nghiêm chế độ lãnh đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng công tác; kịp thờixử lý nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng vi phạm kỷ luật trong công tác lãnh đạo, điều hành, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; ngăn chặn, khắc phục các khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, độc đoán, chuyên quyền gây mất đoàn kết nội bộ. Bên cạnh đó, kịp thời lựa chọn, bồi dưỡng và nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự lan tỏa trong địa phương, cơ quan, đơn vị và cộng đồng.
Phong cách không có sẵn, không phải là bẩm sinh mà là nét đặc sắc, đặc trưng riêng và là sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Nét đặc sắc đó, sự sáng tạo đó chỉ có được thông qua quá trình học tập và rèn luyện thực sự nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao của mỗi người. Mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng thấu triệt trong học tập và làm theo phong cách dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên, hằng ngày; được thực hiện gương mẫu từ chính bản thân mình; coi đó là bổn phận, danh dự của chính mình, sẽ thiết thực góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp vừa hồng, vừa chuyên, tận tâm tận lực với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, gắn bó mật thiết với nhân dân./.
Bài viết của đồng chí Lê Văn Tuyên, Huyện ủy viên huyện Hà Trung, Thanh Hóa.
Nguồn: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương (http://tuyengiao.vn).
Để lại một bình luận
Hãy trở thành người đầu tiên bình luận!