Fori.vn – Sản phẩm tốt – giá tốt nhất
Cơ cấu xã hội – giai cấp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội
1.Quan niệm ve cơ cấu xã hội – giai cấp
a) Cơ cấu xã hội và cơ cấu xã hội – giai cấp
– Mỗi con người đều tồn tại trong mối quan hệ lệ thuộc, tác động lẫn nhau và sự tác động này không chỉ mang tính cá nhân mà còn mang tính cộng đồng. Cộng đồng xã hội là một bộ phận người có chung một số dấu hiệu, nguyên tắc. Tuỳ theo cách xác định các dấu hiệu, nguyên tắc mà người ta có thể xác định những cộng đồng với các tên gọi khác nhau (dân tộc, giai cấp, tập thể, đơn vị, nhóm hoạt động,…). Có hai loại cộng đồng: cộng đồng khách quan được hình thành một cách tự nhiên, không phụ thuộc vào ý muốn con người và cộng đồng chủ quan được hình thành từ ý đồ, mục đích của con người.
– Cơ cấu xã hội là tất cả những cộng đồng người và toàn bộ các quan hệ xã hội do sự tác động lẫn nhau của các cộng đồng ấy tạo nên. Cơ cấu xã hội đề cập chủ yếu đến các cộng đồng được hình thành một cách khách quan, dựa trên các dấu hiệu tự nhiên như giai cấp, dân số, dân cư, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo,… Từ đó, người ta có thể xem xét các loại hình cơ cấu xã hội tương ứng: cơ cấu xã hội – giai cấp, cơ cấu xã hội – dân số (với dấu hiệu nhân khẩu), cơ cấu xã hội – dân cư (với dấu hiệu cùng cư trú theo địa lý), cơ cấu xã hội – nghề nghiệp, cơ cấu xã hội – dân tộc, cơ cấu xã hội – tôn giáo,… Dưới góc độ chính trị – xã hội, môn học chủ nghĩa xã hội khoa học ở đây chỉ tập trung nghiên cứu vấn đề cơ cấu xã hội – giai cấp.
Cơ cấu xã hội – giai cấp là hệ thống các giai cấp, tầng lớp xã hội và các mối quan hệ giữa chúng. Đó là các mối quan hệ về sở hữu, quản lý, địa vị chính trị – xã hội,… Cơ cấu xã hội – giai cấp vừa phản ánh sự tồn tại xã hội và vừa tác động lại sự phát triển của xã hội. C. Mác đã từng nói rằng: “lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước tới nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp” và V.I. Lênin cũng nói: kết cấu xã hội và chính quyền có nhiều biến đổi, nếu không tìm hiểu những biến đổi này thì không thể tiến được một bước trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào
b) Vị trí của cơ cấu xã hội – giai cấp trong cơ cấu xã hội
– Cùng một con người sẽ thuộc về nhiều cộng đồng người khác nhau theo các hình thức phân chia khác nhau (thuộc về một giai cấp, tầng lớp, một nhóm nghề nghiệp, một địa bàn cư trú, một tôn giáo hoặc không theo tôn giáo nào,…). Các loại hình của cơ cấu xã hội có mối quan hệ với nhau và tác động qua lại lẫn nhau.
-Trong xã hội có giai cấp, thì cơ cấu xã hội – giai cấp là loại hình cơ bản và có vị trí quyết định nhất, chi phối các loại hình cơ cấu xã hội khác, vì trong quan hệ về mặt giai cấp của một xã hội quy định sự khác nhau về địa vị kinh tế, về quyền sở hữu tư liệu sản xuất, mối quan hệ xã hội giữa người với người trong hệ thống sản xuất, tổ chức lao động và phân phối thu nhập. ở các loại hình cơ cấu xã hội khác không có được các mối quan hệ quan trọng và quyết định trên đây. Từ đó cho thấy cơ cấu xã hội – giai cấp có liên quan trực tiếp đến quyền lực chính trị và nó quyết định đến bản chất và xu hướng vận động của các loại hình cơ cấu xã hội khác. Mỗi xã hội có phân chia giai cấp đều có cơ cấu xã hội – giai cấp đặc trưng của mình, nó thể hiện cho sự khác nhau về chất giữa cơ cấu xã hội này với cơ cấu xã hội khác.
-Xuất phát từ cơ cấu xã hội – giai cấp mà người ta xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá của mỗi xã hội trong từng giai đoạn cụ thể. Vị trí của cơ cấu xã hội – giai cấp là có ý nghĩa quan trọng, song không được tuyệt đối hoá, tức là chỉ thấy và dựa vào cơ cấu xã hội – giai cấp, coi nhẹ các loại cơ cấu xã hội khác; cũng không thể tuỳ tiện xoá bỏ nhanh chóng các giai cấp, tầng lớp xã hội bằng biện pháp giản đơn theo ý muốn chủ quan.
2.Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội – giai cấp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội
a) Xu hướng chủ yếu
- Sự xích lại gần nhau từng bước giữa các giai cấp, tầng lớp về mối quan hệ với tư liệu sản xuất. Xu hướng này thể hiện thông qua việc dần dần hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao. Với chủ trương phát triển nhiều thành phần kinh tế, đa dạng hoá chế độ sở hữu, tồn tại nhiều thành phần kinh tế, liên kết, liên doanh trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các thành phần xã hội tồn tại bên nhau, xích lại gần nhau, đan xen lẫn nhau để cùng phát triển.
- Sự xích lại gần nhau về tính chất lao động giữa các giai cấp, tầng lớp. Xu hướng này thể hiện thông qua việc phát triển cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, áp dụng những thành tựu mới vào quá trình phát triển lực lượng sản xuất, rút ngắn khoảng cách của sự khác biệt giữa các lực lượng xã hội trong quá trình lao động. Từ đó, tạo điều kiện cho xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế trong lĩnh vực kinh tế
- Sự xích lại gần nhau về mối quan hệ phân phối tư liệu tiêu dùng giữa các giai cấp và tầng lớp. Xu hướng này diễn ra chủ yếu liên quan đến việc thực hiện ngày càng hoàn thiện nguyên tắc phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế
Sự xích lại gần nhau về tiến bộ về đời sống tinh thần giữa các giai cấp, tầng lớp. Xu hướng này thể hiện trực tiếp thông qua cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng – văn hoá. Từ đó tác động đến sự xích lại gần nhau và xoá bỏ dần mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay.
Những xu hướng trên đây không tách rời nhau và được thể hiện trên các lĩnh vực chính trị, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của xã hội.
b) Những vấn đề có tính quy luật của sự biến đổi cơ cấu xã hội – giai cấp
- Sự biến đổi của cơ cấu xã hội – giai cấp được quy định bởi biến động cơ cấu kinh tế, cụ thể là cơ cấu ngành nghề kinh tế, thành phần kinh tế, cơ chế hành chính, kinh tế – xã hội. Yếu tố kinh tế luôn giữ vai trò quyết định đối với các vấn đề xã hội trong thời kỳ quá độ tồn tại nhiều thành phần kinh tế tất yếu đưa tới cơ cấu xã hội – giai cấp đa dạng và phức tạp. Trong thời kỳ này có những giai cấp, tầng lớp của cơ cấu xã hội – giai cấp mới và cũ, có đông đảo nhân dân lao động và tồn tại một bộ phận của giai cấp, tầng lớp bóc lột. Cơ cấu kinh tế trong thời kỳ quá độ tuy vận động theo cơ chế thị trường, song có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Về mặt chủ quan, cơ cấu xã hội – giai cấp mới hình thành lại tác động trực tiếp tới sự củng cố và phát triển cơ cấu kinh tế mới. Thời kỳ quá độ là thời kỳ mà những nhân tố của xã hội mới và tàn tích của xã hội cũ tồn tại đan xen, đấu tranh với nhau. Cơ cấu xã hội – giai cấp luôn biến đổi trong mọi xã hội. Do đặc điểm của thời kỳ quá độ, quá trình biến đổi cơ cấu xã hội – giai cấp cũ sang cơ cấu xã hội giai cấp mới là quá trình liên tục, đa dạng, phức tạp và mạnh mẽ. Quá trình này sẽ dần dần ổn định vào giai đoạn sau khi nền kinh tế đã ổn định, lực lượng sản xuất đã phát triển và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã đạt được những kết quả cơ bản. Cơ cấu xã hội – giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội biến động và phát triển trong mối quan hệ vừa có mâu thuẫn, vừa có mối quan hệ liên minh với nhau, tiến tới xoá bỏ hiện tượng bất bình đẳng trong xã hội, đưa đến sự xích lại gần nhau giữa các giai cấp, tầng lớp cơ bản trong xã hội, đặc biệt là giữa công nhân, nông dân, trí thức. Mức độ và quá trình biến đổi này phụ thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước ở mỗi giai đoạn cụ thể. Mâu thuẫn và liên minh thể hiện tính độc lập tương đối và tính phát triển đa dạng của các giai tầng xã hội tạo nên sự hợp tác, xích lại gần nhau giữa các giai tầng cơ bản trong xã hội, xoá dần những quan hệ bóc lột giữa người với người.
-
Xu hướng phát triển cơ cấu xã hội – giai cấp ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ mang tính đa dạng và thống nhất. Tính đa dạng thể hiện ở sự tồn tại các giai cấp, tầng lớp, các nhóm xã hội trong nền kinh tế nhiều thành phần và ngay cả trong cơ cấu của mỗi giai tầng đó cũng mang tính đa dạng và có sự thay đổi, vận động nhanh chóng để tiến tới sự ổn định tương đối ở các giai đoạn cuối của thời kỳ quá độ. Tính thống nhất thể hiện ở chỗ trong cơ cấu xã hội – giai cấp ấy, giai cấp công nhân, lực lượng tiêu biểu cho phương thức sản xuất giữ vai trò chủ đạo trong quá trình cải biến xã hội. Điều này thể hiện ở chỗ giai cấp công nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng với cơ cấu hợp lý. Đồng thời vai trò chỉ đạo đó còn thể hiện ở sự phát triển của mối quan hệ liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và trí thức ngày càng giữ vị trí nền tảng chính trị – xã hội của nước ta. Từ đó tạo nên sự thống nhất của cơ cấu xã hội – giai cấp trong suốt thời kỳ quá độ.
Để lại một bình luận
Hãy trở thành người đầu tiên bình luận!